Trip

Kinh nghiệm lên kế hoạch du lịch của bản thân

Hầu hết mọi chuyến đi tôi đều là người lên lịch trình, đặt vé, đặt phòng, thuê xe… nói chung là cũng tích lũy được kha khá kinh nghiệm, dù rằng vẫn cứ ngớ ngẩn và sai lung tung. Có vài người hỏi nên tôi sẽ viết vài dòng chia sẻ kinh nghiệm ba ngơ của mình, mọi người đọc xong thì cứ yên tâm mà làm ngược lại cho chắc.

  1. Xác định mục đích chuyến đi, đi đâu, đi với ai, đi bao lâu, dự kiến chi phí.

Hầu như tôi đều đi với anh chị em họ trong nhà, ngoài ra thì giờ có thêm nhóm bạn AMI12, điểm chung là chúng tôi chốt rất nhanh, chốt cái làm luôn chứ không có kiểu “bao giờ đi đi”. Tôi cũng có kha khá cái hẹn với rất nhiều người, nhưng mà vẫn chưa thấy mùa xuân của những cái hẹn đấy đâu cả… Nói chung là đã chốt là phải đi, mà muốn đi là phải chốt. Tôi thường lấy giá các tour du lịch đưa ra làm mốc, tính sơ qua chi phí dự kiến, từ đó lên budget cho chuyến đi của mình. Cho đến giờ, các chuyến đi tôi đều tính toán được giá rẻ hơn so với đi tour, mà lại được trải nghiệm nhiều cái hay ho hơn đi tour, trừ 1 vài chuyến đi kiểu nghỉ dưỡng, những chuyến đó thì tôi lại tính toán chi phí kiểu khác, nhiều hơn nhưng đúng chất tiền nào của nấy.

  • Lên dự kiến lịch trình.

Khi đã chốt được thời gian và điểm đến, tôi bắt đầu đi mò mẫm khắp nơi. Đầu tiên là ngó qua các tour du lịch xem người ta hay đi kiểu gì, sau đó là bắt đầu dạo quanh các trang kinh nghiệm du lịch ABC… Kế tiếp là đi lần mò đọc từng bài viết, từng cái comment, cứ thấy cái gì hay ho là note vào đã. Tôi cũng theo dõi các travel blogger như Vinh Gấu, Chan La Cà, Khoai Lang Thang, Fahoka, Will… ngoài ra còn có 1 vài travel blogger khác mà tôi vô tình lướt qua thấy thì phi vào đọc lấy kinh nghiệm xong đi ra, chưa kịp nhớ tên.

Sau khi đã note cho đã rồi, tôi mới bắt đầu xem lại những cái đó, tính toán xem cái gì hợp lý với thời gian mà mình dự định đi, cái gì hay, cái gì thuộc loại “must try”, phân loại ra rồi, lại sắp xếp theo thứ tự cái gì cần hơn thì lên trên. Kế tiếp đó, tôi sẽ lần mò xem cái gì mà người bản địa giới thiệu, ví dụ như những quán ăn, tôi thích đến những quán mà người bản địa hay đến hơn là những quán mà khách du lịch giới thiệu. Ngoài ra thì khi đến nơi, nếu chịu khó đi mò mẫm thì cũng sẽ tự dưng lại mò ra kha khá địa điểm mà rất ít khi được giới thiệu, như lần đi lượn lờ ở Seoul, tôi và em gái mò ra được 1 quán gà rán khá đông khách, mà chỉ toàn là dân Hàn đi làm về ghé vào ăn; ăn thử thấy ngon, và thế là cứ đi Seoul là chúng tôi mặc định phải ra quán đó ăn.

  • Săn vé, tính toán các phương tiện di chuyển

Khi đã xác định được sơ sơ lịch trình dự kiến, tôi mới dành thời gian để xem vé. Bình thường tôi vẫn tự ngồi canh vé rẻ, tìm đọc xem đang có hay sắp có khuyến mại gì không. Tôi hay vào trang skyscanner.com để ngó và so sánh từng giá vé, từng khung giờ, sau đó mò vào trang chủ của từng hãng để xem. Tôi có 1 em sinh viên trước làm cho Bamboo, còn bây giờ làm đại diện cho hãng hàng không Hàn, nó là đứa chuyên để tôi hành trong công cuộc mua vé. Khi đã chọn được khung thời gian mình muốn, tôi sẽ yêu cầu nó check, nếu như bên nó rẻ hơn và có thêm 1 số ưu đãi thì tôi sẽ chốt nó đặt, còn nếu không tôi tự mình đặt. Như chuyến đi Pháp – Ý vừa rồi, tôi đưa ra yêu cầu, nó check giá rẻ hơn tôi check đến 4 triệu, ngay lập tức tôi chốt của nó luôn. Nhưng khi check vé bay từ Pháp sang Ý, thì tôi đặt trên web hãng lại rẻ hơn nó check, vậy là tôi tự đặt luôn. Khi tự đặt vé, tôi luôn đặt trên trang chủ của các hãng để yên tâm, nếu có vấn đề gì thì khiếu kiện cũng rất dễ, thế nên tôi là thành viên của kha khá hãng hàng không, nào VNA, VJ, Bamboo, AirAsia, Thaiairway, Qatar, Emirates, Sing air, Korean air, Air China, China Southern…

Xong công đoạn vé máy bay thì đến công đoạn tìm hiểu xem phương tiện di chuyển ở nơi đến sẽ là gì. Nếu cần đi tàu, tôi lại đi lần mò tìm mua vé tàu, lại so sánh, lại vào từng trang bán vé tàu. Mua vé tàu ở Hàn là dễ nhất, vì không có quá nhiều giá chênh lệch, cũng như không phải lo có quá nhiều trang bán vé. Mua vé tàu ở TQ thì thực sự là thử thách, giao diện tiếng Anh thì rất dở, mà nhiều trang fake kinh khủng, dùng tiếng Trung thì cứ phải ngồi dịch liên tục mới an tâm được. Mua vé tàu ở châu Âu cũng là trải nghiệm thú vị, vì có cả tỷ trang bán vé, mà trang nào cũng ngon lành cành đào, lại công cuộc mò mẫm săn giá, săn thời gian di chuyển cho hợp lý.

Ngoài các phương tiện công cộng, thì đi theo nhóm đông tôi sẽ thuê xe có lái để di chuyển cho thuận tiện, đỡ mệt. Thuê xe tự lái cũng là 1 phương án khá hay, nếu bạn tự tin với tay lái của mình, về kinh nghiệm thuê xe tự lái thì tôi đã viết trong 2 series bài về chuyến đi đảo Jeju và chuyến đi Pháp – Ý vừa rồi, ai quan tâm có thể xem ở trang ntnkid1412.com

  • Tìm chỗ ở

Xong xuôi các thể loại vé vủng, tôi bắt đầu lần mò đi tìm chỗ ở. Tiêu chí đầu tiên tôi đặt ra là không ở các thể loại phòng dorm, hostel. Tôi muốn đi du lịch thì chỗ ở phải thoải mái, vì nó là nơi mình sẽ nghỉ ngơi sau 1 ngày dài đi chơi mệt, tôi không thích ở chung với người lạ, không thích phải mất thêm khoản lo nghĩ đề phòng có vấn đề gì bất trắc không. Phòng có thể nhỏ, nhưng phải có cửa sổ, sạch sẽ, yên tĩnh, vị trí đi lại thuận tiện. Tôi đi du lịch đều luôn có thói quen giặt đồ, thế nên tôi ưu tiên chọn thuê căn hộ hơn, nó sẽ có cả máy giặt và bếp, rất tiện. Ngoài ra thì dạng khách sạn căn hộ cũng rất ok, có lễ tân, có quầy gửi đồ, cũng rất tiện, mà tiện nghi thì như 1 căn hộ bình thường. Tôi là thành viên hạng platinum của kha khá trang đặt phòng, nên tìm nơi ở theo yêu cầu của mình cũng được hưởng nhiều khuyến mại, tôi cũng lại note những chỗ thấy ưng, nhìn từng hình ảnh, xem trên bản đồ, thậm chí soi cả google earth để xem vị trí. Ngoài ra, trong nhóm AMI của tôi có cô bạn làm sếp ở tập đoàn BRG, kinh nghiệm gần 20 năm làm mảng khách sạn, vậy nên có gì là ới luôn, lúc nào cũng được giá siêu ưu đãi, hơn hẳn cả các đội sales. Rút gọn danh sách lại, so sánh giá cả, tiện nghi… rồi chốt lại chỗ ưng nhất.

  • Chốt lịch trình, mua bảo hiểm, mua vé tham quan.

Xong xuôi hết các bước trên, tôi chốt lại lịch trình, làm thành 1 bản hoàn chỉnh, ghi chú lại những điểm cần lưu ý, những quán ăn dự định đến, tính toán giờ giấc cẩn thận. Ngoài ra, tôi còn thêm vào 1 vài địa điểm nếu có thời gian hoặc nếu thay đổi vào phút chót thì sẽ có thể ghé qua. Đối với những nơi cần mua vé trước, tôi sẽ lại lần mò như mua vé tàu xe, để đảm bảo rằng khi đến nơi sẽ không mất thời gian xếp hàng mua vé. Như lúc ở Ý, nhờ mua vé trước mà cả nhóm tôi tiết kiệm được kha khá thời gian xếp hàng, chứ nhìn dòng người xếp hàng chờ mua vé vào cửa thì không biết đến hết ngày bọn tôi có nhìn được cái cửa không nữa.

Bảo hiểm du lịch là cái không thể thiếu trong mọi chuyến đi, cái gì có thể thiếu nhưng 3 thứ hộ chiếu, điện thoại và bảo hiểm du lịch là không thể không có. Nếu bạn đi trong nước, bạn có thể lười vì ít ra vẫn có sẵn bảo hiểm y tế hay bảo hiểm sức khỏe song hành rồi, nhưng ra nước ngoài thì không được phép chủ quan, không ai nói trước được điều gì sẽ xảy ra cả, phải tự tìm cách bảo vệ mình trước.

  • Lên đường, rút kinh nghiệm

Thành thật mà nói, dù có lên kế hoạch chi tiết và kỹ lưỡng như thế nào thì tôi vẫn không tránh khỏi có sai sót. Sau mỗi chuyến đi, tôi đều note lại xem ưu, nhược điểm là gì, cái gì cần bổ sung hay sửa đổi, cái gì hay ho để quay lại lần sau… Vì là người lên lịch trình, tôi cũng kiêm luôn thủ quỹ, mọi hóa đơn đều giữ lại, mọi chi phí đều ghi chép lại rõ ràng, khi về là làm ngay bảng kê chi tiết, tính toán cẩn thận, gửi luôn cho mọi người check xem có thừa thiếu ở đâu không, công khai tất cả mọi thứ, sau khi nhận phản hồi là điều chỉnh ngay.

Trên đây chỉ là 1 vài kinh nghiệm nhỏ của tôi, tuy rằng chả có gì đặc biệt cả, vì ai cũng làm được, nhưng nó đã góp phần cho những chuyến đi của tôi vui và nhiều kỷ niệm.